Khi tiểu thương tham gia tổ tự quản!
Xe đẩy bán hàng rong là phương thức mưu sinh của nhiều hộ dân không có điều kiện mở quán, chỗ bán buôn cố định. Công việc của họ chính đáng, nhưng lại phần nào ảnh hưởng an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Phải làm sao để hài hòa về mặt “lý” và “tình”, là câu chuyện trăn trở của nhiều địa phương, đặc biệt là ở trung tâm đô thị Long Xuyên.
Từ tỉnh Ninh Bình, hơn 30 năm trước, ông Nguyễn Đình Sinh (70 tuổi) vào An Giang lập nghiệp bằng đủ nghề mua gánh bán bưng. Mấy năm trước, ông tìm được “đất lành”, chọn một góc đường Nguyễn Trãi (khóm 2, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), dựa vào nhiều trường học xung quanh để bán nước giải khát. Lúc đó, gần như ông là người đầu tiên bán hàng rong ở khu vực này. Thấy vị trí “đắc địa”, nhiều người khác cũng tìm đến bán, số lượng xe đẩy ngày càng nhiều lên. Điều đó đồng nghĩa với lợi nhuận từng người bắt đầu giảm xuống, mà tình hình mất trật tự đô thị lại tăng lên.
“Nhiều hôm, chúng tôi buộc phải “giải tán”, rời khỏi khu vực này theo yêu cầu của chính quyền địa phương, trả lại mặt bằng thông thoáng. Nhưng biết đi đâu bây giờ, khi đã quen chỗ, quen khách? Bởi vậy, khi địa phương mời họp, bàn tính việc thành lập mô hình tự quản về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự hoạt động bán hàng rong, chúng tôi đồng thuận ngay” – ông Nguyễn Đình Sinh kể.
Để 2 đứa con (6 tuổi và 3 tuổi) ở quê nhà, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo (27 tuổi) “trôi dạt” từ Hà Nội vào An Giang 7 năm nay. Mỗi người tự chia nhau bán 1 loại thức ăn, ở một góc đường trên địa bàn TP. Long Xuyên. Dĩ nhiên, việc bán hàng rong vừa vất vả, vừa thiếu ổn định, buộc phải rày đây mai đó. 2 tháng trước, nghe nói mấy người chị được sắp xếp mua bán tại đường Nguyễn Trãi, chị Thảo mạnh dạn xin tham gia, trở thành 1 trong 25 tiểu thương tham gia mô hình tự quản của khóm 2.
“Từ lúc tham gia mô hình, chúng tôi mua bán thuận lợi hơn, không còn cảnh nơm nớp lo sợ bị đẩy đuổi hoặc bị tiểu thương lạ mặt cạnh tranh không lành mạnh. Mỗi người được phát tạp dề “đồng phục”, kèm theo tấm bảng tên Tổ Tự quản, số điện thoại Công an phường, Văn phòng Ban Nhân dân khóm 2. Khi địa phương lên tiếng vận động, chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức, kinh phí thực hiện các công việc mang lại lợi ích cho khu vực” – chị Thảo chia sẻ.
“Sau khi được mời làm việc, trao đổi tâm tư, nguyện vọng, các tiểu thương bày tỏ mong muốn được gắn bó lâu dài với nơi này, vì họ phần lớn từ địa phương khác đến lập nghiệp, tìm thấy vị trí mua bán thuận lợi. Vì vậy, 3 tháng trước, Tổ Tự quản an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khóm 2 ra đời, gồm 25 tiểu thương mua bán hàng rong, có danh sách cụ thể từng người. Người dân tham gia nhóm Zalo, do Ban Nhân dân khóm quản lý, được tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách vá các quy định của Nhà nước, địa phương về hoạt động bán hàng rong; được tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngược lại, họ phải mua bán trật tự, ngay ngắn ở khu vực được sắp xếp, không để phát sinh thêm trường hợp nào; đoàn kết, đồng thuận cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự nơi mua bán. Chỉ được phép bán từ 15 giờ mỗi ngày, sau khi dọn hàng phải trả lại cảnh quan sạch sẽ” – Bí thư Chi bộ, Trưởng khóm 2 Nguyễn Huỳnh Nhân, cho biết.
Không dừng lại ở đó, các tiểu thương còn hùn tiền khắc phục những nơi gờ bó dĩa, vỉa hè xung quanh khu vực mua bán bị xuống cấp; quét dọn, chà rửa vỉa hè, nhổ cỏ bồn cây… Họ cũng trở thành tai, mắt của địa phương, tham gia tố giác tội phạm, vi phạm trật tự giao thông, an ninh trật tự. Đặc biệt, tất cả tiểu thương đều có mã QR, tham gia vào “Tuyến phố không dùng tiền mặt”. Và bất cứ chủ trương nào của địa phương, họ đều chấp hành một cách vui vẻ, tích cực...
“Sau vài tháng thực hiện mô hình thí điểm của khóm 2, chúng tôi nhận thấy sự chuyển biến rõ nét trong quản lý trật tự đô thị trên địa bàn phường. Không thể nào cắt cử lực lượng canh 24/24 giờ để đẩy đuổi người bán hàng rong. Nhưng với mô hình này, tiểu thương được tạo điều kiện mua bán nền nếp, gắn bó với chính quyền địa phương, sẵn sàng hưởng ứng phong trào do phường, khóm phát động, chỉ bằng các tin nhắn trong nhóm Zalo. Từ đó, địa phương cũng tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đưa hoạt động bán hàng rong thực hiện theo quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Mô hình tự quản có sự giám sát của chính quyền địa phương sẽ giúp không để xảy ra tình trạng “bảo kê”, tệ nạn xã hội” – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỹ Long Lý Thùy Giang nhận định.
Những nụ cười thật tươi, những câu chuyện cởi mở, những lời tri ân của tiểu thương tổ tự quản là minh chứng rõ nét cho hiệu quả bước đầu của mô hình. Trên cả “lý”, là “tình”, là sự nhân văn, hợp lòng người, chắc chắn sẽ giúp mô hình duy trì lâu dài, nhân rộng./.
Ban Biên tập phường Mỹ Long