KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)!)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, là một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Chủ tịch Cuba - Phiđen Caxtơrô từng ca ngợi: “Cuộc đời của Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và cao cả nhất... Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”(2). Sự đánh giá cao của bè bạn năm châu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh đem lại cho chúng ta niềm tự hào vô hạn. Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là những hình ảnh tuyệt đẹp về đạo đức cách mạng mà còn là động lực, nguồn sức mạnh to lớn cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo.
Tấm gương gần dân, thương dân, vì dân
Đối với Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, gần gũi, quý trọng; luôn yêu thương, chia sẻ, cảm thông; luôn tin tưởng và nhìn thấy ở Nhân dân nguồn sức mạnh vô tận. Theo Bác, yêu thương con người là làm mọi việc vì con người; dám hy sinh, dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người - trước hết với đất nước, với Nhân dân - đó là: "Trung với nước, hiếu với dân"; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Yêu thương con người thì phải thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn. Với mình thì nghiêm khắc; với người thì độ lượng, vị tha, kể cả với người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Để làm tốt điều đó, cần phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của người làm chủ đất nước. Việc quan tâm đến con người - không chỉ quan tâm, chăm sóc mà còn tạo điều kiện để con người vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhấn mạnh: “Hồ Chủ tịch đối xử với người, với việc luôn có lý, có tình. Bác dành muôn vàn tình thân yêu với đồng chí, đồng bào. Trong tình thương yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên, không sót một ai và sắp xếp cho mỗi người về việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa yêu thương dìu dắt”. Người là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam; là biểu tượng của đạo đức cách mạng cao đẹp, là sứ giả của hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.
Tấm gương mẫu mực về thực hành “nói đi đôi với làm”
Đối với Bác, “nói đi đôi với làm” không chỉ là lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức.
Bác luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công việc, hài hòa và đúng đắn nhất mực giữa lời nói và việc làm. Theo Bác, nói đi đôi với làm, nói được làm được sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Chính vì vậy, trước hết tự mình phải tu dưỡng, rèn luyện, làm gương. Việc nêu gương phải thể hiện trong cả lời nói, việc làm và trách nhiệm.
Để nói đúng quan điểm, đường lối của Ðảng, theo Bác, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác-Lênin. Nắm vững đường lối cách mạng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân làm cho đúng. Phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng để có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Ðảng, dù trải qua những tình huống phức tạp, những bước ngoặt hiểm nghèo, vẫn luôn trung thành với Ðảng, với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng xã hội tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Tấm gương về phong cách làm việc khoa học, hiệu quả
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên phải có lòng nhiệt tình cách mạng và đó là yếu tố cơ bản trong phẩm chất của người lãnh đạo. Có nhiệt tình cách mạng, người cán bộ lãnh đạo mới say mê, tận tụy với công việc để tìm ra những phương án sáng tạo nhằm thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.
Trong công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc nghiêm túc, suy nghĩ kỹ lưỡng, cẩn thận, làm đến nơi đến chốn; đồng thời, luôn tuân thủ nghiêm túc các khâu, các bước trong quy trình giải quyết, xử lý công việc. Người yêu cầu làm việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, nghiên cứu, thu thập thông tin số liệu phải chính xác để nắm chắc thực chất tình hình, phân tích và nhận định đúng tình hình, có như thế mới có chính sách đúng. Làm việc phải có mục đích rõ ràng, chương trình, kế hoạch đặt ra phải phù hợp; phải đi sâu, đi sát, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Phải xem xét, đối chiếu những ý kiến khác nhau, lựa chọn những ý kiến đúng, phù hợp, loại bỏ những thông tin sai không đúng sự thật.
Trong công tác lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm từng việc. Người yêu cầu, sau mỗi công việc dù thành công hay thất bại đều có tổng kết rút kinh nghiệm để tiến hành những công việc khác tốt hơn. Nhờ đó bổ sung kịp thời những chủ trương chưa đúng, chưa đủ và quan trọng hơn là rút ra những kết luận để bổ sung cho lý luận. Người chỉ rõ: “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”./.
Ban Biên tập phường Mỹ Long